Nhờ sự bùng nổ của game “Black Myth: Wukong” thời gian gần đây, tiểu thuyết Tây Du Ký nói chung hay hình tượng nhân vật Tôn Ngộ Không nói riêng bỗng nhận được nhiều sự quan tâm trở lại từ người trẻ. Cùng điểm lại những phiên bản Tề Thiên Đại Thánh nổi bật nhất màn ảnh trong hơn ba thập kỷ qua!
Lục Tiểu Linh Đồng – Tây Du Ký(1986)
Được xem là phiên bản kinh điển và tiêu biểu nhất của nhân vật này, nam tài tử Lục Tiểu Linh Đồngtừng dành nhiều năm nghiên cứu hành động, thần thái vai diễn và thậm chí được khán giả gọi là “Tôn Ngộ Không đời thực” sau khi phim truyền hình Tây Du Ký (1986) được đón nhận rộng rãi.
Hình mẫu Tôn Ngộ Không của Lục Tiểu Linh Đồng đã gắn với nhiều thế hệ khán giả trong hơn ba thập kỷ, cũng là “cái bóng” quá lớn để hậu bối có thể vượt qua, dù về sau có không ít tác phẩm lấy chất liệu từ Tây Du Ký được ra mắt.
Châu Tinh Trì – Đại Thoại Tây Du (1994)
Trong series Đại Thoại Tây Du gồm 3 phần, Châu Tinh Trì vào vai Tôn Ngộ Không trong hai phần phim Đại Thoại Tây Du: Nguyệt Quang Bảo Hạp và Đại Thoại Tây Du: Tiên Lý Kỳ Duyên. Vai diễn này giúp nam tài tử đoạt giải Nam chính xuất sắc nhất của Hiệp hội Phê bình Điện ảnh Hong Kong.
Tôn Ngộ Không trong Đại Thoại Tây Du cũng được đánh giá là một sự biến tấu táo bạo của Châu Tinh Trì năm đó khi dám gạt bỏ hình tượng Tề Thiên quen thuộc trong lòng khán giả, thay vào đó khắc họa một người đàn ông mạnh mẽ nhưng đa cảm, dễ tổn thương.
Trương Vệ Kiện – Tây Du Ký (1996)
Trương Vệ Kiện từng 2 lần thể hiện vai Tôn Ngộ Không, lần đầu trong Tây Du Ký phiên bản Hồng Kông năm 1996. Đây cũng là vai diễn giúp sự nghiệp của nam diễn viên bỗng chốc thăng hoa, trở thành ngôi sao mà nhiều hãng phim lúc bấy giờ săn đón.
Sau đó vì những lùm xùm về thù lao với Hãng truyền hình TVB, Trương Vệ Kiện không được tham gia phần tiếp theo của Tây Du Ký nên đã tự mình thực hiện một dự án khác về Mỹ Hầu Vương, tên Tề Thiên Đại Thánh Tôn Ngộ Không (2002). Cả hai lần hóa thân của nam tài tử đều được khán giả yêu thích bởi tính sáng tạo, dí dỏm anh thể hiện trong nhân vật.
Lý Liên Kiệt – Vua Kung Fu (2008)
Lý Liên Kiệt cũng từng đóng một phiên bản của Tôn Ngộ Không trong Vua Kung Fu (2008). Đây là bộ phim gây nhiều sự chú ý khi sở hữu dàn diễn viên tên tuổi như Thành Long, Michael Angarano, Lưu Diệc Phi hay Lý Băng Băng.
Phim kể về một cậu bé bị cuốn vào cuộc phiêu lưu không gian và thời gian, nơi cậu gặp những nhân vật thần thoại, trong đó có Tôn Ngộ Không. Tề Thiên phiên bản này được đánh giá cao về khả năng võ thuật của Lý Liên Kiệt, nhưng phim bị chỉ trích về kịch bản khá đơn giản và hời hợt.
Chân Tử Đan – Tây Du Ký: Đại Náo Thiên Cung (2014)
Tây Du Ký: Đại Náo Thiên Cung (2014) là dự án điện ảnh có kịch bản bám sát tiểu thuyết gốc, chủ yếu tập trung vào giai đoạn Đại Thánh đại náo Thiên đình, do Châu Tử Đan thủ vai Tôn Ngộ Không. Phim ghi điểm bởi phần âm thanh, kỹ xảo được đầu tư công phu với kinh phí lên tới 400 triệu nhân dân tệ (khoảng 1,3 nghìn tỷ đồng).
Tuy nhiên, đây cũng là tác phẩm nhận về nhiều ý kiến trái chiều khi đa phần khán giả cho rằng phim quá tập trung vào phần hình ảnh mà bỏ quên phát triển cốt truyện, nhân vật.
Lâm Canh Tân – Tây Du Ký: Mối Tình Ngoại Truyện 2 (2017)
Tây Du Ký: Mối Tình Ngoại Truyện 2 (2017) là dự án điện ảnh đồng sản xuất bởi Từ Khắc và tài tử Châu Tinh Trì. Phim có sự tham gia diễn xuất của dàn sao trẻ lúc bấy giờ như Ngô Diệc Phàm, Lâm Canh Tân, Dương Nhất Uy, Ba Đặc Nhĩ và Lâm Doãn.
Trong phim, Lâm Canh Tân mang lại hình ảnh Tôn Ngộ Không mạnh mẽ và cứng rắn, có phần trẻ trung và hiện đại hơn so với các phiên bản trước đó. Tuy nhiên, một số khán giả cho rằng diễn xuất của anh chưa thực sự tạo dấu ấn mạnh mẽ cho nhân vật. Tây Du Ký: Mối Tình Ngoại Truyện 2 cũng là tác phẩm đạt doanh thu cao nhưng gây nhiều tranh cãi về cốt truyện lẫn diễn xuất của dàn diễn viên chính.
Bành Vu Yến – Ngộ Không Kỳ Truyện (2017)
Ngộ Không Kỳ Truyện (2017) không mang phong cách quen thuộc của Tây Du Ký. Phim kể câu chuyện khi Tôn Ngộ Không chưa phải là Tề Thiên Đại Thánh, mang đầy nhiệt huyết theo Dương Tiễn học võ thuật ở tiên giới. Bộ phim khai thác nhiều vào yếu tố tình cảm lãng mạn của các nhân vật.
Mỹ Hầu Vương phiên bản của Bành Vu Yến đáp ứng được các yêu cầu về diễn xuất, song phần hoá trang của anh gây nhiều ý kiến trái chiều từ người xem. Một số khán giả cho rằng tạo hình của Bành Vu Yến quá lãng tử, không mang lại cảm giác thật sự dấn thân vào nhân vật.